III. Xác định nguyên giá tài sản cố định
Câu hỏi: Công ty tôi mua nhà rồi sau đó sửa chữa để làm trụ sở làm việc (tự mua vật tư, thuê thợ…). Sau khi hoàn thành thì khoản sửa chữa này ghi nhận là TSCĐ đúng không? Việc xác định giá trị của TSCĐ này là do DN tự xác định dựa trên hóa đơn chứng từ hợp pháp (Hóa đơn mua vật tư…) hay cần có 1 cơ quan độc lập xác định?
Trả lời:
Đoạn 24,Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 – Tài sản cố định hữu hình ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: “Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình được ghi tăng nguyên giá của tài sản nếu chúng thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản đó, như:
(a) Thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng…”
– Đoạn 25, chuẩn mực trên cũng quy định “Chi phí về sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ hữu hình nhằm mục đích khôi phục hoặc duy trì khả năng đem lại lợi ích kinh tế của tài sản theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ”.
– Theo Thông tư 203/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng va trích khấu hao tài sản cố định,  Điều 7.Đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định thì “1. Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ; 2. Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm”.
– Trong trường hợp của công ty bạn mua nhà rồi sửa chữa để làm trụ sở làm việc, nếu việc sửa chữa không làm nâng cấp nhà, không thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản, không thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng thì toàn bộ chi phí liên quan đến việc sửa chữa này được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm. Chi phí sửa chữa này được tập hợp dựa vào chứng từ của các khoản chi phí phát sinh tại Công ty bạn như: hóa đơn mua vật tư, hợp đồng thuê thợ…
– Việc sửa chữa nhà nếu làm nâng cấp nhà (ví dụ nâng cấp từ nhà 1 tầng thành nhà 2 tầng) thì toàn bộ chi phí chi ra để đầu tư nâng cấp nhà được ghi nhận tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc. – Giá trị tăng nguyên giá TSCĐ cũng được tập hợp dựa vào chứng từ của các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc đầu tư nâng cấp nhà tại Công ty bạn.
IV. Đánh giá lại giá trị tài sản góp vốn
Câu hỏi: Công ty B được thành lập từ vốn góp của công ty A (51% vốn điều lệ) và các cổ đông cá nhân trong công ty A. Vốn điều lệ của Công ty B là 10 tỷ đồng. Hình thức góp vốn. Công ty A chuyển giao cho công ty B giá trị tài sản máy móc dây chuyền sản xuất và chi phí đầu tư ban đầu tổng giá trị là 55 tỷ đồng (theo giá trị trên sổ kế toán). Xin hỏi quý Hội công ty B phải hạch toán như thế nào. Giá trị tài sản góp vốn vào công ty B ở trên phải có định giá của tổ chức định giá hay không? Hiện nay công ty đang hạch toán phần vốn góp của công ty A vào công ty B là: Ghi nhận phần vốn góp theo điều lệ:(1) Nợ 1388/Có 411 10 tỷ đồng Ghi nhận giá trị tài sản nhận từ công ty A. (2)Nợ TK 211/ Có TK 3388. Bù trừ giá trị tài sản và vốn góp (3) Nợ TK 338/Có TK 1388. Việc hạch toán như vậy đã đúng chưa?
Trả lời: 
– Căn cứ vào nội dung câu hỏi và giải thích của bạn qua điện thoại, theo Ban Tư vấn VACPA, xin trả lời cụ thể câu hỏi của bạn như sau:
– Theo quy định hiện hành của Chuẩn mực kế toán số … và chế độ kế toán doanh nghiệp, công ty B là công ty con của công ty A nếu công ty A nắm giữ 51% quyền biểu quyết tại công ty B (tương đương với 51% vốn điều lệ). Về pháp lý, sau khi thành lập công ty B, thì công ty A và công ty B là các pháp nhân kinh tế độc lập. Do đó, mặc dù các cổ đông cá nhân cũng là những người đang làm việc trong công ty A thì giao dịch góp vốn thành lập công ty B vẫn phải được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật. – – — Trước hết, khi công ty A góp vốn thành lập công ty B bằng tài sản, máy móc, dây chuyền sản xuất thì các tài sản cố định này phải được đánh giá lại theo giá trị được các bên góp vốn thống nhất định giá hoặc thuê tổ chức định giá độc lập để định giá. Việc hạch toán khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản như sau:
A- Khi chưa làm xong các thủ tục đánh giá lại tài sản, bàn giao chính thức cho bên nhận góp vốn ghi:
1) Công ty A Ghi sổ kế toán:
– Khi công ty A chuyển tài sản là máy móc thiết bị sản xuất đến công ty B, kế toán ghi:
– Nợ TK 138 – Phải thu khác (TK 1388 – Giá trị còn lại của TSCĐ ghi trên sổ kế toán)
– Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
– Có TK 211 – TSCĐ hữu hình
2) Công ty B ghi sổ kế toán
– Khi công ty B nhận TSCĐ là máy móc, thiết bị do công ty A chuyển đến, kế toán ghi:
– Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Giá trị còn lại của TSCĐ ghi trên sổ kế toán của công ty A)
– Có TK 338 – Phải trả khác (TK 3388)
B- Khi các bên góp vốn đã hoàn thành việc đánh giá lại giá trị tài sản góp vốn và thực hiện xong các thủ tục bàn giao chính thức:
– Công ty A ghi sổ kế toán: Trường hợp giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi góp vốn vào công ty B nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:
– Nợ TK 138 – Phải thu khác (TK 1388) (giá trị còn lại theo sổ sách của TSCĐ)
– Có TK 711 – Thu nhập khác (phần chênh lệch đánh giá tăng)
– Trường hợp giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi góp vốn vào công ty B lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá giảm tài sản vào chi phí khác, ghi:
– Nợ TK 811 – Chi phí khác (phần chênh lệch đánh giá giảm)
– Có TK 138 – Phải thu khác (TK 1388) (phần chênh lệch đánh giá giảm)
c. Ghi nhận khoản vốn góp đầu tư vào công ty con.
– Nợ TK 221 – Đầu tư vào công ty con (theo vốn điều lệ của công ty B)
– Có TK 138 – Phải thu khác (1388) (theo vốn điều lệ của công ty B)
– Công ty B ghi sổ kế toán: Trường hợp giá trị còn lại của TSCĐ nhận góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán ghi:
– Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (phần chênh lệch đánh giá tăng)
– Có TK 338 – Phải trả khác (TK 3338) (phần chênh lệch đánh giá tăng)
– Trường hợp giá trị còn lại của TSCĐ nhận góp vốn lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán ghi:
– Nợ TK 338 – Phải thu khác (TK 3388) (phần chênh lệch đánh giá giảm)
– Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (phần chênh lệch đánh giá giảm)
c. Ghi nhận nguồn vốn kinh doanh theo vốn điều lệ của công ty B
– Nợ TK 338 – Phải trả khác (3388)
– Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (heo vốn điều lệ của công ty B)
C- Về nghĩa vụ thuế của công ty A:
– Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN của công ty A được thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2010/TT-BTC ngày 23/03/2010 Hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản. – Để xử lý sự khác biệt giữa thu nhập kế toán và thu nhập chịu thuế đối với chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ đưa đi góp vốn, Công ty A cần phải hạch toán thuế thu nhập hoãn lại theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 17- Thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng dẫn tại Thông tư số 20/2005/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính, Hướng dẫn kế toán thực hiện sáu (06) chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 của Bộ Tài chính.
Lưu ý: Các tài sản phi tiền tệ (ngoài TSCĐ) được công ty A góp vốn vào công ty B cũng cần được các bên đánh giá lại và được ghi chép kế toán phù hợp.
– Về thẩm quyền đánh giá lại giá trị tài sản góp vốn: Trường hợp như bạn nêu trong câu hỏi, theo Ban Tư vấn VACPA, nên thuê tổ chức định giá độc lập để đánh giá lại tài sản sẽ đảm bảo yếu tố khách quan của việc định giá tài sản, ghi chép kế toán và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước trong việc góp vốn thành lập công ty con B của công ty A cũng như hoạt động kinh doanh của công ty B sau này.
V. Hạch toán hoạt động cho mượn và đi mượn tài sản
Câu hỏi:
1) Hoạt động cho mượn và đi mượn tài sản được hướng dẫn ở văn bản nào?
2) Nếu một cty A cho cty tôi mượn một tài sản cố định thì công ty tôi hạch toán thế nào? Giá hạch toán căn cứ vào đâu? Cty A cho mượn tài sản đó hạch toán thế nào? Hoạt động này cần những chứng từ gì?
Trả lời
– Chế độ kế toán doanh nghiệp ( QĐ 15/2006/QĐ-BTC) đã quy định các tài khoản ngoài Bảng cân đối kế toán – Loại tài khoản 0, trong đó không có tài khoản phản ánh tài sản cố định đi mượn mà chỉ có tài khoản 001-Tài sản đi thuê. Điều này có lẽ là vì trong giao dịch kinh tế bình thường giữa các doanh nghiệp không có giao dịch đi mượn, tức là sử dụng tài sản của doanh nghiệp khác mà không phải trả tiền.
– Do đó, nếu trong thực tế công ty bạn có giao dịch đi mượn TSCĐ thì sẽ vận dụng tài khoản 001-Tài sản thuê ngoài để phản ánh và trình bày trong báo cáo tài chính. Theo đó sẽ trình bày rõ tên TSCĐ, mục đích sử dụng và điều kiện đi mượn, không phải trả chi phí. Tuy nhiên, nếu việc đi mượn không phải trả chi phí nhưng chưa có kèm theo điều kiện gì khác thì doanh nghiệp cũng cần thuyết minh rõ.
VI. Góp vốn liên doanh bằng Tài sản cố định
Câu hỏi: Công ty chúng tôi đang kiểm toán một khách hàng là Công ty Cổ phần A, được thành lập do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
– Công ty A có TSCĐ là 1 khách sạn được hình thành từ quỹ phúc lợi, nay Công ty A thuê tổ chức định giá lại TSCĐ này để đem đi góp vốn liên doanh. Toàn bộ giá trị của khách sạn được định giá lại, Công ty A đã hạch toán tăng thu nhập khác (TK 711) và nộp thuế TNDN đồng thời ghi tăng TK 222 (góp vốn liên doanh).
Công ty A hạch toán như vậy có đúng không?
Trả lời:
– Theo quy định của chế độ kế toán hiện hành, Tài khoản 3533 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ: phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ của doanh nghiệp. Đối với Công ty Cổ phần A, được thành lập từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì TSCĐ được hình thành từ quỹ phúc lợi đã được bàn giao cho Công ty Cổ phần và phần giá trị còn lại của TSCĐ được theo dõi trên tài khoản 3533 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.
– Theo đó, khi đánh giá lại TSCĐ để đem đi góp vốn liên doanh, việc tăng, giảm giá trị TSCĐ được hình thành từ quỹ phúc lợi được theo dõi ở tài khoản 3353 và trình tự hạch toán như sau:
– Phản ánh giảm TSCĐ để đem đi góp vốn liên doanh, liên kết:
– Nợ TK 222 hoặc 223: theo giá trị còn lại.
– Nợ TK 214: theo số khấu hao lũy kế.
– Có TK 211: theo nguyên giá.
 Phản ánh phần giá trị tăng thêm do đánh giá lại:
– Nợ TK 222 hoặc 223: theo giá trị tăng thêm do đánh giá lại.
– Có TK 3533: theo giá trị tăng thêm do đánh giá lại.
– Phản ánh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (nếu có) liên quan đến việc đánh giá tăng TSCĐ để đem góp vốn liên doanh thì ghi:
– Nợ TK 3533: Số thuế phải nộp.

– Có TK 3334: Số thuế phải nộp.

Post a Comment

 
Top